SWOT là gì? Phân tích doanh nghiệp theo mô hình SWOT

13 Tháng Một, 2024

SWOT là gì trong phân tích doanh nghiệp? Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức là vô cùng quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp. Phân tích SWOT là một công cụ lập kế hoạch chiến lược hiệu quả giúp doanh nghiệp thực hiện điều này. Vậy, phân tích này thực hiện như thế nào và có những ưu điểm gì?

SWOT là gì?

SWOT là một phương pháp phân tích doanh nghiệp quan trọng dựa trên bốn yếu tố: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Mối đe dọa).
SWOT la gi
Mô hình SWOT bao gồm 4 yếu tố: Điểm mạnh, Điểm yếu, Cơ hội và Nguy cơ

Kỹ thuật phân tích SWOT được dùng để hiểu rõ Điểm mạnh ( Strengths), Điểm yếu ( Weaknesses), Cơ hội ( Opportunities) và Nguy cơ ( Threats) trong một dự án hoặc tổ chức kinh doanh. Bởi phương pháp SWOT giúp các doanh nghiệp nắm bắt được tình trạng nội bộ lẫn môi trường cạnh tranh bên ngoài.

Bằng cách phân tích SWOT, doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược dựa trên nhận thức sâu sắc về bản thân và môi trường kinh doanh, từ đó tối ưu hóa các ưu điểm, giảm thiểu các hạn chế, khai thác cơ hội và đối phó với những thách thức.

4 yếu tố của mô hình SWOT

Mô hình SWOT là một công cụ phân tích quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý chiến lược. SWOT đại diện cho Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Mối đe dọa). Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về từng yếu tố trong mô hình SWOT.

Strengths – Điểm mạnh

Điểm mạnh là những yếu tố thuộc về nội bộ góp phần vào thành công của doanh nghiệp. Đó là những gì mà doanh nghiệp làm tốt hoặc khác biệt so với đối thủ. Hãy xem xét những lợi thế mà doanh nghiệp của bạn có so với các doanh nghiệp khác. Đó có thể là đội ngũ nhân lực trình độ cao, nguồn vốn mạnh mẽ, đối tác uy tín, công nghệ sản xuất tiên tiến hoặc quy trình sản xuất hiệu quả.

Khi tìm kiếm những điểm mạnh, hãy so sánh và tìm ra điều gì mà doanh nghiệp làm tốt hơn hẳn so với đối thủ. USP (Unique Selling Proposition) là một khái niệm quan trọng trong marketing mô tả ưu thế khác biệt mà một sản phẩm hoặc doanh nghiệp mang lại. Sự khác biệt này là điểm quan trọng khiến khách hàng quyết định chọn một thương hiệu thay vì thương hiệu khác. Một số ví dụ về USP có thể là dịch vụ khách hàng xuất sắc, tính năng độc đáo, đóng gói sáng tạo,…

mô hình swot
Điều gì mà doanh nghiệp làm tốt nhất

Weaknesses – Điểm yếu

Điểm yếu cũng là một yếu tố thuộc về môi trường bên trong của doanh nghiệp giống như điểm mạnh. Yếu tố này đề cập đến những hạn chế mà doanh nghiệp cần cải thiện hoặc không có lợi thế so với đối thủ. Điểm yếu có thể là các vấn đề như tiềm lực tài chính có hạn, công nghệ lạc hậu, tệp khách hàng trung thành không lớn hoặc quy trình không hiệu quả gây lãng phí tài nguyên.

Opportunities – Cơ hội

Thông thường, cơ hội xuất hiện từ môi trường bên ngoài doanh nghiệp và đòi hỏi bạn phải dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai. Biết nắm bắt và khai thác cơ hội có thể tạo ra sự khác biệt lớn và giúp doanh nghiệp tiến gần hơn đến vị trí dẫn đầu ngành. Những cơ hội này có thể là xu hướng tiêu dùng thay đổi, thị trường mới, công nghệ mới, chính sách mới của chính phủ,…

Threats – Mối đe dọa

Yếu tố Threats trong mô hình SWOT là gì? Yếu tố này đề cập đến các yếu tố bên ngoài có thể gây nguy hiểm hoặc đe dọa đến sự thành công và hiệu suất của doanh nghiệp. Những mối đe dọa này thường xuất hiện do các yếu tố môi trường, xu hướng hoặc hành vi của đối thủ cạnh tranh. Chúng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, khả năng cạnh tranh và sự tồn tại của doanh nghiệp trên thị trường.

phân tich swot
Những mối đe dọa tiềm ẩn có thể được tìm thấy

Điều quan trọng là phải dự đoán các mối đe dọa và có những hành động đối phó hoặc phòng ngừa tình huống tệ nhất để tránh ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Hãy suy nghĩ về những trở ngại doanh nghiệp gặp phải trong việc đưa sản phẩm ra thị trường và bán hàng. Ví dụ, doanh nghiệp có bị phụ thuộc vào một nhà cung cấp không? Việc kinh doanh của doanh nghiệp sẽ xảy ra vấn đề nếu nhà cung cấp bất ngờ tăng giá.

Các bước thực hiện phân tích SWOT

Phân tích SWOT giúp xác định các yếu tố nội bộ và bên ngoài có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công của một mục tiêu cụ thể. Nếu bạn chưa biết nên bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo quy trình 5 bước sau của Web Chuyên Nghiệp:

Bước 1: Xác định mục tiêu

Phân tích SWOT thường mang tính tổng quát, nhưng sẽ có giá trị hơn nếu phân tích được thực hiện cho một mục tiêu cụ thể. Ví dụ, mục tiêu của phân tích SWOT có thể tập trung vào việc có nên triển khai sản phẩm mới hay không. Với một mục tiêu rõ ràng, công ty sẽ có định hướng về những gì họ cần làm để đạt được mục tiêu đó.

phân tích mô hình swot
Nên có mục tiêu cụ thể khi thực hiện phân tích SWOT

Bước 2: Thu thập thông tin

Phân tích SWOT của mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau. Các công ty có thể cần các bộ dữ liệu khác nhau để hỗ trợ cho phân tích SWOT. Công ty nên hiểu rõ những thông tin mà họ có quyền truy cập, những hạn chế về dữ liệu mà họ gặp phải và cân nhắc về mức độ tin cậy của các nguồn dữ liệu bên ngoài khi thu thập thông tin.

Công ty cũng có thể thu thập dữ liệu dựa theo những thông tin mà nhân viên cung cấp. Việc lắng nghe ý kiến nhân viên trong quá trình phân tích có thể mang lại nhiều thông tin hữu ích. Chẳng hạn, các nhân viên bán hàng có thể hiểu rõ về quy trình bán hàng và đề xuất hoặc nêu ra những bất cập. Hay các nhân viên khác trong bộ phận sản xuất lại có thể hiểu được những vấn đề trong quá trình sản xuất.

Bước 3: Tổng hợp thông tin

Đối với mỗi yếu tố trong phân tích SWOT, nhóm phân tích tiến hành sắp xếp và liệt kê các dữ liệu vào đúng nhóm. Những câu hỏi được xem xét cho mỗi nhóm có thể giúp bạn biết được dữ liệu nào nên xếp vào nhóm nào.

mô hình swot của doanh nghiệp
Hãy thu thập nhiều dữ liệu nhất có thể

Các yếu tố bên trong

Những gì diễn ra trong nội bộ công ty sẽ được xếp vào danh mục điểm mạnh và điểm yếu trong phân tích SWOT. Các yếu tố bên trong bao gồm nguồn lực tài chính và nhân lực, tài sản hữu hình – vô hình (tên thương hiệu) và những gì ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Các câu hỏi giúp bạn liệt kê được các yếu tố nội bộ là:

  • (Điểm mạnh) Doanh nghiệp đang làm tốt điều gì?
  • (Điểm mạnh) Sản phẩm mang lại nhiều giá trị nhất của doanh nghiệp là gì?
  • (Điểm yếu) Những yếu tố cản trở doanh nghiệp là gì?
  • (Điểm yếu) Dòng sản phẩm hoạt động kém nhất của doanh nghiệp là gì?

Các yếu tố bên ngoài

Những gì xảy ra bên ngoài công ty cũng quan trọng đối với thành công của công ty như các yếu tố bên trong. Các yếu tố thuộc phạm vi bên ngoài, chẳng hạn như chính sách tiền tệ, thay đổi của thị trường, khả năng tiếp cận nhà cung cấp, sẽ được xếp vào danh mục cơ hội và thách thức. Các câu hỏi giúp bạn liệt kê các yếu tố bên ngoài dễ dàng hơn là:

  • (Cơ hội) Những xu hướng hiện tại trên thị trường là gì?
  • (Cơ hội) Những nhóm nhân khẩu học nào mà doanh nghiệp chưa nhắm mục tiêu?
  • (Thách thức) Có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh tồn tại và thị phần của họ là bao nhiêu?
  • (Thách thức) Có những quy định pháp lý mới nào có khả năng gây hại cho hoạt động hoặc sản phẩm của doanh nghiệp không?

Các công ty có thể cân nhắc thực hiện bước này bằng cách viết bảng hoặc phân bảng trắng thành 4 phần và dán giấy ghi chú lên. Điều này có thể giúp khuyến khích tinh thần cộng tác và tư duy trực quan. Không có câu trả lời đúng hay sai, tất cả các thành viên của nhóm phân tích được khuyến khích chia sẻ bất cứ những gì họ nghĩ. Mục tiêu chính là đưa ra càng nhiều ý tưởng càng tốt để tìm ra những điểm đột phá.

cách phân tích swot
Sử dụng bảng trắng hoặc bất kỳ phương pháp khác sao cho trực quan hơn

Bước 4: Chắt lọc kết quả

Với hàng loạt dữ liệu trong từng danh mục, bây giờ là lúc rà soát và tinh gọn các ý tưởng đó. Bằng cách rút gọn lại những dữ liệu đã phân nhóm, công ty chỉ cần tập trung vào những gì có thể mang lại lợi nhuận lớn nhất hoặc những gì rủi ro nhất. Giai đoạn này có thể cần có những cuộc tranh luận sâu sắc giữa các thành viên trong nhóm phân tích hoặc có cả sự tham gia của ban quản lý cấp cao để xếp hạng mức độ ưu tiên.

Bước 5: Phát triển chiến lược

Ở bước này, ban lãnh đạo đã hiểu được các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của công ty. Những dữ liệu này sẽ được sử dụng để thiết kế các chiến lược nhằm đạt được mục tiêu ban đầu.

Ví dụ, công ty đang phân vân về việc có nên tung ra một sản phẩm mới hay không. Hiện tại công ty đang là nhà dẫn đầu trong ngành và họ mong muốn mở rộng sang thị trường mới. Tuy nhiên, chi phí vật liệu đang tăng cao, hệ thống phân phối quá tải, nhu cầu bổ sung nhân lực cao có thể là những rủi ro lớn hơn so với điểm mạnh và cơ hội. Vì vậy, công ty quyết định sẽ xem xét lại kế hoạch tung sản phẩm mới sau 6 tháng nữa để chờ đợi những dấu hiệu tích cực của thị trường.

strategy
Thiết kế chiến lược kinh doanh dựa trên phân tích SWOT

Ưu, nhược điểm của SWOT là gì?

Phân tích SWOT là một công cụ hữu ích trong kinh doanh và quản lý chiến lược. Mặc dù đã xuất hiện từ nhiều năm nhưng đến nay, mô hình này vẫn được sử dụng trong nhiều doanh nghiệp. Vậy, những ưu điểm và nhược điểm của SWOT là gì?

Ưu điểm

  • Hỗ trợ ra quyết định: Phân tích SWOT cho phép bộ máy lãnh đạo hiểu được doanh nghiệp đang vận hành ra sao và những vấn đề nào cần được cải thiện. Điều này có thể giúp họ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn dựa trên cơ sở dữ liệu.
  • Dự phòng những tình huống bất ngờ: Khi thực hiện phân tích những mối đe dọa đối với doanh nghiệp, công ty có thể có những phương án dự phòng trong trường hợp thực sự bị đe dọa trong tương lai.
  • Tối ưu nguồn lực: Những điểm yếu xuất phát từ nội bộ doanh nghiệp có thể gây ra những lãng phí về nguồn lực. Phân tích SWOT giúp doanh nghiệp nhận biết được những gì chưa hiệu quả và tìm cách loại bỏ hoặc cải tiến chúng.
  • Khuyến khích tinh thần hợp tác: Trong quá trình phân tích SWOT, công ty sẽ cần hợp tác với nhân viên trong các bộ phận hoặc các bên liên quan. Sự hợp tác này giúp công ty có được quan điểm từ nhiều góc độ và thúc đẩy gắn kết giữa các bộ phận với nhau.
  • Tạo lợi thế cạnh tranh: Bằng cách hiểu rõ thế mạnh và điểm yếu, các công ty có thể phát triển chiến lược để tạo ưu thế cạnh tranh so với đối thủ. Điều này cho phép doanh nghiệp nâng cao vị thế của mình trên thị trường.
phân tích swot
Phân tích SWOT có cả ưu điểm và nhược điểm

Nhược điểm

  • Không đề xuất giải pháp: Mô hình SWOT tập trung vào việc xác định yếu tố, nhưng không cung cấp một phương pháp cụ thể để đề xuất giải pháp hoặc hành động cải thiện. Điều này có thể khiến cho việc triển khai chiến lược trở nên khó khăn.
  • Phụ thuộc vào kinh nghiệm người thực hiện: Hiệu quả của phân tích SWOT phụ thuộc vào kinh nghiệm và kỹ năng của người thực hiện. Người thực hiện cần có kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực mà họ đang phân tích để có thể đưa ra những đánh giá chính xác.
  • Tốn nhiều thời gian: Việc thu thập thông tin và phân tích thông tin để thực hiện phân tích SWOT có thể tốn nhiều thời gian. Do đó, các doanh nghiệp có thể cần đến một đội ngũ phân tích thay vì chỉ có một cá nhân.
  • Không có thứ tự ưu tiên: Vấn đề của phân tích SWOT là nó không nêu rằng bạn nên tập trung vào vấn đề nào trước. Việc lựa chọn nên làm gì dựa trên phân tích hoàn toàn dựa vào ban lãnh đạo công ty.
  • Quá tải dữ liệu: Khi thực hiện phân tích SWOT, bạn sẽ không biết được thế nào là nhiều hoặc ít dữ liệu. Không có thông tin hoặc dữ liệu nào là quá nhỏ bé hay ngớ ngẩn để được liệt kê trong SWOT. Tuy nhiên, quá nhiều dữ liệu cũng có thể khiến bạn rơi vào tình trạng bối rối vì phải sắp xếp và lựa chọn thông tin nào cần ưu tiên.

Lời kết

Mô hình SWOT là một công cụ quan trọng trong phân tích doanh nghiệp và xác định chiến lược kinh doanh. Bằng cách xác định và đánh giá các yếu tố nội bộ và ngoại vi, mô hình SWOT trong marketing giúp doanh nghiệp nhận biết điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức mà họ đang đối mặt. Bài viết trên của Web Chuyên Nghiệp đã giúp bạn nắm được SWOT là gì và những ưu, nhược điểm của mô hình này. Hãy chia sẻ bài viết nếu bổ ích và đừng quên chờ đón những nội dung thú vị tiếp theo nhé!