Portfolio Là Gì? 7 Mẹo Giúp Portfolio Trở Nên Ấn Tượng Hơn

27 Tháng Mười Hai, 2023

Portfolio là gì và vì sao khi đi xin việc một số nhân sự lại sử dụng portfolio thay cho CV? So với CV, portfolio được sử dụng nhiều trong một số lĩnh vực đặc biệt hơn và cho phép người dùng thể hiện kỹ năng và kinh nghiệm cá nhân rõ ràng hơn. Trong bài viết sau đây, Web Chuyên Nghiệp sẽ giải thích cho bạn portfolio là gì và những nội dung cần có trong portfolio.

Portfolio là gì?

 

Portfolio là một tài liệu chi tiết về những công việc trước đó để chứng minh năng lực chuyên môn của một cá nhân. Portfolio thường được sử dụng trong các lĩnh vực marketing, nghệ thuật và sáng tạo.

Portfolio thường bao gồm các minh chứng cụ thể về kinh nghiệm và kỹ năng mà một người có được sau khi hoàn thành một dự án hoặc một nhiệm vụ. Minh chứng ở đây có thể là các tài sản đa phương tiện hoặc bằng chứng thực tế (giấy chứng nhận, bằng khen,…). Thay vì đọc những dòng mô tả kỹ năng của bạn, nhà tuyển dụng có thể xem được những gì bạn đã làm.

portfolio là gì
Portfolio là một tài liệu thể hiện năng lực của một cá nhân theo cách trực quan hơn

Hầu hết các ứng viên hiện nay tạo portfolio dưới dạng kỹ thuật số thay vì in ấn truyền thống. Sử dụng portfolio kỹ thuật số cũng có nhiều lợi ích, trong đó lợi ích nổi bật nhất là khả năng chia sẻ tài liệu trực tuyến với nhiều người. Portfolio trực tuyến cũng được cập nhật nhanh chóng và dễ dàng hơn so với portfolio in ấn, chẳng hạn như thay đổi bố cục hoặc thêm nội dung.

Điểm khác biệt giữa CV và Portfolio là gì?

CV (Curriculum Vitae) và portfolio là hai tài liệu quan trọng được người lao động sử dụng trong quá trình xin việc. Tuy nhiên giữa chúng có những sự khác biệt về cách thức trình bày và mục đích sử dụng.

Mục đích

Mục đích chính của CV là cung cấp một tài liệu tóm tắt về quá trình làm việc, học vấn và kỹ năng của bạn. Tài liệu này giúp nhà tuyển dụng hiểu về quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc và thành tựu của bạn. Dựa trên những dữ liệu trong CV, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá mức độ phù hợp với công việc của ứng viên.

Khác với CV, mục đích chính của portfolio là trưng bày các tác phẩm, dự án hoặc sản phẩm mà bạn đã thực hiện trong quá trình làm việc hoặc học tập. Portfolio thường được sử dụng để thể hiện kỹ năng sáng tạo và phản ánh phong cách cá nhân của ứng viên. Thay vì viết những mô tả bằng chữ, portfolio tập trung trình bày những thành quả công việc để thuyết phục nhà tuyển dụng.

portfolio
Portfolio trực quan hơn so với CV

Nội dung

Một CV thường đầy đủ các nội dung như thông tin cá nhân, quá trình công việc, tóm tắt mục tiêu nghề nghiệp, học vấn, kỹ năng và các hoạt động khác liên quan. CV tập trung vào việc trình bày thông tin một cách cụ thể, đơn giản và có thứ tự logic. Những nội dung này được sắp xếp theo thứ tự thời gian và tóm tắt ngắn gọn dưới dạng văn bản.

Một portfolio thường bao gồm các thành quả công việc mà bạn đã làm để nhà tuyển dụng biết được bạn có thể làm được những gì. Nội dung trình bày có thể là các bản vẽ, bản thiết kế, ảnh chụp, bài viết, video hoặc bất kỳ hình thức nào khác trình bày thành quả công việc của bạn tốt nhất.

Kiểu trình bày

CV thường có định dạng dạng văn bản và tuân theo một cấu trúc chuẩn nhất định. CV gồm các mục và tiêu đề rõ ràng để nhà tuyển dụng nhanh chóng quét qua và tìm kiếm thông tin cần thiết. Do đó, CV không thể hiện được nhiều về cá tính hoặc phong cách cá nhân của bạn mà chỉ đơn thuần để truyền tải thông tin. Portfolio có thể được trình bày dưới nhiều định dạng khác nhau, ví dụ như trang web, tệp PDF hoặc được in ấn. Cách trình bày portfolio cũng linh hoạt và cho phép bạn tự do sáng tạo.

cách làm portfolio cá nhân
Portfolio cho phép ứng viên tự do sáng tạo

Những nội dung cần có trong portfolio là gì?

Trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, bạn không chỉ nói cho nhà tuyển dụng biết bạn có thể làm gì mà bạn cần phải thể hiện được điều đó. Việc sử dụng portfolio có thể giúp bạn làm được điều này. Một portfolio cho phép bạn thể hiện tính cách, óc sáng tạo và kỹ năng của mình theo cách trực quan nhất với nhà tuyển dụng. Trong đó 5 nội dung chính cần có trong portfolio để giúp nhà tuyển dụng hiểu đầy đủ về bạn bao gồm:

Phần giới thiệu bản thân

Phần này nên bao gồm một mô tả ngắn về bạn là ai, mục tiêu trong ngành của gì và bạn mong muốn tạo ra tác động như thế nào cho doanh nghiệp hoặc khách hàng. Hãy trình bày những điều này rõ ràng và bạn có thể tìm kiếm những cách để trình bày nội dung theo cách thú vị hơn. Bạn cũng nên thêm một bức ảnh chân dung của chính mình, hình ảnh nên rõ ràng và chuyên nghiệp.

portfolio gồm những gì
Giới thiệu bản thân là một phần cần thiết

Học vấn và chứng chỉ

Tiếp theo, bạn cần có một phần nội dung để thể hiện nền tảng học vấn của mình, bao gồm cả các khóa học seo website hoặc chứng chỉ mà bạn đã có được. Những thông tin này thể hiện những kiến thức mà bạn đã có được cho đến nay. Khi nhà tuyển dụng đọc đến phần này, họ có thể được thôi thúc để xem những cách mà bạn áp dụng những gì bạn biết vào thực tế – tức là những gì bạn đã làm được.

Danh sách thành tựu của bạn

Phần tiếp theo và cũng là phần nội dung tiền đề trước khi nhà tuyển dụng xem qua những gì bạn đã làm được. Trong phần này, bạn sẽ liệt kê những thành tựu bạn đã đạt được cho đến nay. Chẳng hạn, nếu bạn đã từng đạt được thành tích nào đó trong quá trình làm việc thì bạn có thể liệt kê ra. Những giải thưởng, học bổng mà bạn đạt được trong quá trình học tập cũng có thể được đề cập.

Trình bày kết quả công việc

Điều khác biệt của portfolio so với CV đó là bạn có thể trình bày những dự án hoặc thành quả công việc của mình cho nhà tuyển dụng xem. Ví dụ, nếu bạn là một nhà thiết kế, bạn có thể trình bày những bản thiết kế của bạn trong portfolio. Hãy trình bày những dự án có liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển, ngoài ra chúng cũng cần phải nổi bật và thể hiện được phong cách đặc trưng của bạn.

mẫu portfolio design
Portfolio chủ yếu để trình bày thành quả công việc của bạn

Thông tin liên hệ

Ở phần cuối của portfolio, đừng quên thêm thông tin liên hệ để nhà tuyển dụng có thể liên hệ bạn khi họ muốn phỏng vấn và trao đổi thêm với bạn. Bạn không nhất thiết phải thêm quá nhiều thông tin nhưng ít nhất phải có số điện thoại và email sử dụng cho công việc. Bạn cũng có thể thêm các liên kết đến hồ sơ mạng xã hội của bạn như LinkedIn, Behance, v.v. để mọi người dễ dàng liên hệ với bạn hơn.

7 mẹo giúp portfolio trở nên ấn tượng hơn

Portfolio cũng tương tự như CV hay resume nhưng nó thường được thiết kế sao cho đẹp mắt và ấn tượng để thu hút sự chú ý của người xem. Sau đây, Web Chuyên Nghiệp sẽ mách bạn một số mẹo để portfolio của bạn trông nổi bật hơn:

1. Có khoảng trống giữa các yếu tố thiết kế

Khi bạn thiết kế portfolio, bạn có khuynh hướng muốn chèn mọi thứ vào bản thiết kế của mình. Nhưng nếu bạn muốn portfolio có một diện mạo thanh lịch, chuyên nghiệp để thu hút khách hàng tiềm năng hoặc nhà tuyển dụng, bạn sẽ cần tạo ra một số không gian trống và đảm bảo nội dung của bạn được phân bố một cách hợp lý.

Không gian trống giúp người dùng phân biệt các loại nội dung khác nhau. Ví dụ, nếu bạn có một bức ảnh ở phía bên trái của trang và một đoạn văn bản ở phía bên phải, không gian trống giữa chúng làm rõ ràng các phần này. Điều quan trọng là trên thiết kế của bạn, văn bản hoặc các yếu tố hình ảnh phải được phân bổ trên trang một cách có tổ chức. Điều này giúp người xem đọc nội dung của bạn một cách dễ dàng hơn.

mẫu portfolio design
Giữa các yếu tố trên trang nên có khoảng trống

2. Chọn theme phù hợp

Khi tạo một trang web cho portfolio, bạn hãy tập trung suy nghĩ xem bạn muốn thể hiện những gì và mục tiêu của bạn là gì. Ví dụ, nếu bạn là một nhiếp ảnh gia, hãy chọn theme dưới dạng một bộ sưu tập ảnh đẹp mắt. Nếu bạn làm công việc liên quan đến viết lách, bạn có thể chọn định dạng blog. Có rất nhiều nền tảng trực tuyến có thể giúp bạn tạo trang web portfolio miễn phí mà không cần mất nhiều giờ đồng hồ để lập trình.

3. Chọn font chữ phù hợp

Khi lựa chọn font chữ để thiết kế web, bạn cần xem xét nhiều yếu tố như mức độ dễ đọc, dễ phân biệt với theme và phong cách. Một số font chữ rất hợp để làm tiêu đề và các đề mục, nhưng chúng lại không thực sự phù hợp để dùng cho phần nội dung khác. Bạn có thể chọn nhiều font chữ khác nhau cho các phần khác nhau. Tuy nhiên, chỉ nên giới hạn trong khoảng 2-3 font chữ là hợp lý.

Ví dụ khi chọn font chữ cho portfolio là gì? Chẳng hạn nếu bạn muốn xây dựng một trang web hồ sơ có phong cách giống như các doanh nghiệp, một font chữ phổ biến như Helvetica (hoặc Arial) có thể phù hợp. Nhưng nếu bạn muốn một font chữ khác thoải mái hơn và sáng tạo hơn thì Bogart hoặc Argesta có thể là lựa chọn tốt hơn. Các kiểu chữ khác nhau có thể giúp trang web ít cứng nhắc và tạo ra hiệu ứng tổng thể mạnh mẽ.

text font
Có nhiều font chữ mà bạn có thể lựa chọn cho portfolio của mình

4. Chọn hình ảnh chuyên nghiệp

Ảnh profile của bạn sẽ là điều đầu tiên mọi người chú ý khi xem portfolio của bạn. Bạn nên sử dụng một bức ảnh chuyên nghiệp thể hiện được con người bạn một cách tốt nhất, hãy thả lỏng và nở một nụ cười thoải mái. Bối cảnh xung quanh bạn nên có ánh sáng tốt để trở nên đẹp mắt hơn. Và quan trọng nhất, hình ảnh phải có chất lượng cao.

5. Kiểm tra độ tương phản giữa văn bản và màu nền

Khi điều chỉnh các yếu tố để làm cho chúng trở nên hấp dẫn hơn, đừng quên kiểm tra độ tương phản văn bản giữa font chữ và màu nền. Độ tương phản tối thiểu giữa văn bản và màu nền nên đạt ít nhất 4.5:1. Đây là tiêu chuẩn được khuyến nghị bởi Web Content Accessibility Guidelines (WCAG) để đảm bảo mức độ dễ đọc cho những người có khả năng nhìn yếu hoặc khó khăn.

Điều này có nghĩa là, nếu là văn bản thông thường thì độ tương phản giữa màu văn bản và màu nền ít nhất là 4.5:1. Đối với văn bản lớn hơn như tiêu đề, mức tương phản tối thiểu là 3:1. Công cụ kiểm tra tương phản màu như WebAIM Color Contrast Checker có thể giúp bạn đánh giá độ tương phản của màu sắc bạn đang sử dụng và đưa ra đánh giá theo tiêu chuẩn WCAG.

Portfolio Constrast
Nên cân nhắc đến độ tương phản giữa màu nền và văn bản

6. Tối ưu portfolio cho thiết bị di động

Hiện nay, đa số lưu lượng truy cập trực tuyến đến từ thiết bị di động. Để bắt đầu, bạn có thể tối ưu hóa hình ảnh, không tải quá nhiều font chữ hoặc chạy quá nhiều plugin. Bạn cũng nên tối ưu trang web portfolio cho thiết bị di động bằng cách thiết kế web responsive. Điều này có nghĩa là website của bạn sẽ hiển thị tốt trên nhiều thiết bị khác nhau bằng cách tự động tùy chỉnh kích thước theo kích thước màn hình. Cuối cùng, hãy kiểm tra các nút trên trang xem có lỗi nào hay không.

7. Sử dụng bố cục thẻ (card layout)

Nếu bạn muốn đảm bảo portfolio dễ nhìn mà không cần làm những thao tác quá phức tạp, bạn có thể cân nhắc sử dụng bố cục thẻ. Card layout là một cách thiết kế giao diện người dùng trong phát triển web và thiết kế đồ họa. Card layout thường được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng di động, trang web và giao diện người dùng đa phương tiện khác để hiển thị danh sách sản phẩm, tin tức, bài viết, hình ảnh, video và nhiều loại nội dung khác.

Các thẻ (card) trong card layout có thể được sắp xếp song song hoặc theo hàng dọc, tùy thuộc vào ý định của người thiết kế. Mỗi thẻ thường chứa một phần nội dung riêng biệt, bao gồm hình ảnh, tiêu đề, mô tả và một số thông tin khác. Card layout giúp tạo ra một cấu trúc rõ ràng và dễ đọc cho người dùng, cho phép họ dễ dàng quét qua nhiều thông tin và tương tác với các phần tử.

Lời kết

Với bài viết trên, Web Chuyên Nghiệp đã giải thích cho bạn portfolio là gì, được sử dụng ra sao và cần có những nội dung nào. Khác với CV, portfolio thường được sử dụng trong các lĩnh vực sáng tạo và nghệ thuật. Hy vọng bạn đã hiểu được những điều cơ bản về portfolio qua những thông tin trên và đừng quên chia sẻ cho nhiều người cùng biết nhé!